CÁC LOẠI SÂU VÀ BỆNH HẠI THƯỜNG GẶP TRÊN CÂY CÀ CHUA

Viết bởi Nông Thế Giới Nhà vào

CÔN TRÙNG HẠI CÀ CHUA

Sâu xanh đục quả

Tên khoa học: Helicoverpa armigera

Đặc điểm hình thái và sinh học

  • Trưởng thành có thân dài 18-20mm, sải cánh rộng 30-35mm, màu nâu nhạt, trên cánh trước có các đường vân rộng màu xanh thẫm. Trưởng thành hoạt động vào ban đêm hoặc chiều tối.
  • Trứng hình bán cầu, lúc đầu trắng sau chuyển màu nâu, trên bề mặt có nhiều đường gân dọc. Trứng thường được đẻ rải rác trên các lá non, hoa.
  • Sâu non có màu xanh lá cây, hồng nhạt đến nâu thẫm, trên thân có sọc đen mờ, đẫy sức dài 40mm. Sâu thường xuất hiện nhiều vào giai đoạn cây ra hoa rộ và tạo quả.
  • Nhộng màu nâu, dài 18-20mm, cuối bụng có 2 gai song song. Sâu hóa nhộng trong lớp đất sâu 5-10 cm.
  • Vòng đời trung bình của sâu xanh từ 28-50 ngày: Trứng: 2-7 ngày, sâu non: 14-25 ngày, nhộng: 10-14 ngày, trưởng thành: 2-5 ngày.

Phát sinh gây hại

  • Sâu non tuổi nhỏ ăn búp, lá non, nụ hoa, sau đó cắn chui vào quả từ cuống. Các lá và chùm hoa bị sâu ăn có thể bị gãy.
  • Từ tuổi 3 sâu đục vào trong quả, những quả mới hình thành khi sâu tấn công thường bị rụng, những quả lớn hơn có thể bị thủng và thối. Một sâu non có thể di chuyển đục nhiều quả.

Biện pháp phòng trừ

  • Thời vụ gieo trồng đồng loạt với mật độ trồng thích hợp và bón phân cân đối.
  • Bấm ngọn, tỉa cành để khử bớt trứng và sâu non mới nở. Kiểm tra ngắt bỏ các quả đã bị sâu hại nặng để tránh lây lan và tích lũy nguồn sâu trên vườn.

Rầy phấn trắng

Tên khoa học: Bemisia tabaci

Đặc điểm hình thái và gây hại

  • Trưởng thành có sải cánh dài 1.5-2mm. Hai đôi cánh trước và sau dài bằng nhau. Toàn thân và cánh được phủ bởi một lớp phấn màu trắng. Trưởng thành hoạt động vào sáng sớm và chiều mát.
  • Trứng rất nhỏ hình bầu dục, màu trắng trong sau chuyển sang màu nâu nhạt và nâu xám.
  • Ấu trùng tuổi 1 màu vàng nhạt, hình ô van, khi mới nở có chân, sống cố định dưới mặt lá. Sau khi lột xác chuyển sang tuổi 2 thì không còn chân (nhộng giả), có thể nhìn rõ mắt kép và râu đầu, có lông thưa ở 2 bên sườn.
  • Cả ấu trùng và thành trùng đều chích hút nhựa làm cây sinh trưởng kém. Dịch tiết ra từ rầy phấn trắng là môi trường cho nấm muội đen phát triển. Đặc biệt rầy là môi giới lan truyền bệnh virus trên cây cà chua và nhiều cây trồng khác.

Biện pháp phòng trừ

  • Vệ sinh vườn, tỉa bỏ các lá ở dưới gốc để vườn cây thông thoáng hạn chế nơi ẩn nấp của rầy, dọn sạch tàn dư vụ trước. Tưới đủ ẩm trong mùa khô.
  • Luân canh cà chua với rau họ thập tự, hành tỏi.
  • Vườn ươm nên được che chắn bằng màng phủ nilong để hạn chế rầy phấn trắng gây hại.
  • Không trồng cà chua gần cạnh các cây ký chủ khác như khoai tây, bầu bí, cà tím…

Tuyến trùng

Tên khoa học: Meloidogyne incognita

Triệu chứng bệnh

- Xâm nhập vào bộ rễ ngay từ giai đoạn đầu, tạo u sưng kích thước lớn nhỏ, nối tiếp nhau tạo thành chuỗi hoặc từng u sưng riêng biệt.

- U sưng được hình thành sau 1-2 ngày, cây bị bệnh còi cọc, vàng úa, chết héo, rễ biến dạng bị thối hỏng.

Đặc điểm phát sinh và phát triển

- Các giai đoạn phát triển từ tuyến trùng non thành tuyến trùng trưởng thành tiến hành bên trong u sưng. Trong u sưng có từ 1-10 tuyến trùng cái hình quả chanh hoặc quả lê.

- Sau khi trứng nở ra khỏi u sưng, giải phóng vào đất, gặp điều kiện thuận lợi di chuyển và gây hại sang những bộ rễ cây khác.

- Chu kỳ phát triển vòng đời phụ thuộc vào nhiệt độ các tháng trong năm và phụ thuộc vào cây ký chủ: Nhiệt độ thích hợp cho tuyến trùng phát triển là 25-280C.

Biện pháp phòng trừ

- Đảm bảo nguồn giống sạch bệnh tuyến trùng nốt sưng, đất không nhiễm tuyến trùng, đất hữu cơ sạch bệnh, khử trùng vườn ươm và dụng cụ chăm sóc.

- Biện pháp hóa học: Một số hóa học từ tuyến trùng nốt sưng như temic, vydate, furadan…

BỆNH CÂY

Bệnh lở cổ rễ

Tác nhân: Do nấm Rhizoctonia solani gây ra.

Triệu chứng

  • Bệnh thường gây hại giai đoạn cây con trong vườn ươm đến 1 tháng sau khi trồng.
  • Vết bệnh ban đầu là những đốm đen ở cổ rễ sau đó lan dần làm cổ rễ chỗ gần mặt đất tóp lại, màu nâu, thối, cây ngã gục trong khi lá non vẫn còn xanh, sau vài ngày cây khô héo. Gốc cây bệnh thường có lớp sợi nấm trắng vào buổi sáng sớm, đôi khi thấy hạch nấm màu nâu đen.

Phát sinh gây hại

  • Nấm phát triển trong điều kiện ẩm độ cao, nhiệt độ thích hợp 23-260C.
  • Bệnh gây hại trên nhiều loại cây trồng như rau, đậu, cà, ớt, bầu bí, khoai tây…
  • Nấm bệnh lưu tồn trong tàn dư cây bị bệnh và trong đất dưới dạng hạch nấm và sợi nấm; hạch nấm có thể sống trong nước hàng năm, gặp điều kiện thuận lợi hạch nấm nảy mầm gây bệnh cây trồng. Bệnh lan truyền qua nước, đất trồng, cây giống.

Biện pháp phòng trừ

  • Vệ sinh vườn, thu gom, tiêu hủy tàn dư cây bệnh.
  • Luân canh cây trồng với cây khác họ để tiêu diệt nguồn bệnh.
  • Chọn nơi đất tốt, cao ráo, sử dụng phân chuồng hoai mục để làm vườn ươm.
  • Cày ải phơi đất, khử trùng đất bằng vôi bột (100kg/1.000 m2), bón phân hữu cơ hoai mục trước khi trồng.
  • Lên luống cao, có rãnh thoát nước tốt. Trồng đúng mật độ, khoảng cách nhằm tạo độ thông thoáng, giảm độ ẩm, hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển.

Bệnh héo xanh

Tác nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra.

Triệu chứng

Cây đang sinh trưởng thì bị héo đột ngột trong khi lá vẫn còn xanh. Hiện tượng héo xảy ra ban ngày khi trời nắng, ban đêm cây tươi lại, sau 2-3 ngày cây không hồi phục được và chết hẳn. Hiện tượng héo xanh ban đầu xảy ra có thể ở một cành, thân hoặc một nhánh của cây cà chua, sau đó dẫn đến toàn bộ cây héo xanh rũ xuống. Cắt ngang thân thấy mạch dẫn bị nâu đen, để vào trong cốc nước trong sẽ thấy những giọt dịch vi khuẩn màu trắng đục chảy ra.

Phát sinh gây hại

  • Bệnh gây hại trên nhiều loại cây trồng như cà chua, ớt, khoai tây…
  • Bệnh thường gây hại nặng khi cây cà chua bắt đầu có nụ hoa đến khi thu hoạch.
  • Vi khuẩn xâm nhập cây trồng qua vết thương trên rễ, thân. Sau khi xâm nhập, chúng tấn công vào mạch dẫn và làm hư bó mạch, nước và dinh dưỡng không thể vận chuyển dẫn đến hiện tượng héo và chết.
  • Vi khuẩn phát triển mạnh ở nhiệt độ 30-350C và chết ở 520C trong 10 phút. Nguồn bệnh tồn tại rất lâu trong đất, cỏ dại, tàn dư cây trồng và lan truyền qua hạt giống, dụng cụ lao động.

Biện pháp phòng trừ

  • Luân canh với cây khác họ cà
  • Xử lý hạt giống trong nước nóng 520C trong 15 phút.
  • Sử dụng cây giống ở vườn ươm không bị bệnh.
  • Vệ sinh vườn, thu gom, tiêu hủy tàn dư cây bị bệnh.
  • Cày, phơi đất, bón vôi cho đất trước khi trồng.
  • Bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục, vi sinh.
  • Trong quá trình chăm sóc hạn chế làm tổn thương cho cây.

Bệnh sương mai

Tác nhân: Do nấm Phytopthora infestans gây ra.

Triệu chứng

  • Trên lá: Vết bệnh đầu tiên ở mép lá, có màu xanh tái như úng nước, sau đó lan dần vào phía trong phiến lá, màu nâu, có ranh giới rõ rệt với phần còn lại của phiến lá. Ở mặt dưới lá chỗ vết bệnh có lớp mốc trắng như sương, bệnh nặng làm lá thối nhũn, thời tiết khô vết bệnh khô giòn dễ vỡ.
  • Trên thân: Vết bệnh màu nâu thẫm, hơi lõm, lan rộng bao quanh thân. Phía trên chỗ bị bệnh, lá héo dần; cành, thân bị bệnh dễ bị gãy gục làm tán cây xơ xác.
  • Trên quả: Bệnh thường xuất hiện ở phía đuôi quả, đốm bệnh màu xanh xám đến nâu sẫm, hơi lõm, cứng và nhăn nheo, bên trong quả bị thối nhũn. Bệnh nhẹ quả hơi nám và cứng, bệnh nặng quả không phát triển được, sau đó bị rụng.

Phát sinh gây hại

  • Bệnh phát sinh và gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao, mưa nắng xen kẽ, trời âm u có sương mù, ở các vùng đất trũng thấp, ít thoát nước, bón phân không cân đối, bón quá nhiều đạm.
  • Bệnh gây hại nặng trong vụ Đông Xuân trên cây cà chua, khoai tây và nhiều cây trồng khác.

Biện pháp phòng trừ

  • Trồng giống kháng bệnh.
  • Luân canh với cây trồng khác, không luân canh với khoai tây.
  • Vệ sinh vườn, thu gom và tiêu hủy tàn dư cây bệnh.
  • Vườn ươm phải chọn nơi cao ráo, sạch sẽ. Vườn phải lên luống cao, đánh rãnh rộng để dễ thoát nước.
  • Bón vôi, phân hữu cơ trước khi gieo trồng. Bón thúc cân đối lượng phân NPK.

Bệnh xoăn lá

Tác nhân: Bệnh do virus gây ra.

Triệu chứng

Cây sinh trưởng chậm, lá biến dạng xoăn vào trong hướng lên trên, lá có thể trở thành màu vàng hoặc nhợt nhạt. Lá, hoa có khuynh hướng nhỏ lại về kích thước, số lượng hoa và chùm hoa giảm, trái nhỏ và chất lượng kém.

Phát sinh gây hại

  • Trên cây cà chua có nhiều loại virus gây hại như CMV, TMV, CTV,… Các virus này đều gây ra các triệu chứng bệnh tương đối giống nhau như lá vàng loang lổ, xoăn lại, cây nhỏ….
  • Virus xoăn lá lây nhiễm vào cây khỏe qua côn trùng chích hút như bọ trĩ, bọ phấn trắng, rầy mềm… Mật độ côn trùng chích hút càng cao thì tỉ lệ cây bị bệnh xoăn lá càng nhiều.

Biện pháp phòng trừ

  • Sử dụng giống kháng bệnh.
  • Thường xuyên kiểm tra vườn, phát hiện sớm các cây có triệu chứng bị bệnh, nhổ bỏ và đem ra khỏi vườn để tiêu hủy.

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH FINOM

Văn phòng giao dịch:

  • Lâm Đồng: 24 Bạch Đằng, Phường 7, Đà Lạt, Lâm Đồng. 

Hotline: Mr. Tài (0917 921 956)

  • TP. Hồ Chí Minh: Lô Officetel L6-20, Tầng 20, Block Lucky, Tòa nhà Richmond City, 207C Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP. HCM

Hotline: Ms. Hàng (0949 237 733)

Website: www.finom.vn                            

Email: info@finom.vn

ĐT: 0263 730 58 68


Bài viết cũ hơn Bài Viết Mới