NHỮNG DẤU HIỆU CHO BIẾT CÂY TRỒNG CỦA BẠN THIẾU DINH DƯỠNG

Viết bởi Nông Thế Giới Nhà vào

Ngoài ánh sáng mặt trời, nước, carbon dioxide và oxy, thực vật cần một số chất dinh dưỡng nhất định để tồn tại và phát triển.

Chất dinh dưỡng khoáng trong đất được hòa tan trong nước và sau đó được hấp thụ qua rễ cây vào mô và thành tế bào thực vật. Để điều này xảy ra, cả độ pH và nhiệt độ của đất phải nằm trong phạm vi cho phép của từng loại cây. Ví dụ, ngay cả khi sắt có nhiều trong đất, một số cây vẫn không thể hấp thụ được nếu độ pH quá cao. Nhiệt độ lạnh cũng có thể ức chế sự hấp thu các chất dinh dưỡng, cũng như đất úng nước và đất thiếu nước cũng có thể làm cho cây trồng bị ảnh hưởng. 

Các chất dinh dưỡng thường bị thiếu ở thực vật là “phốt pho, nitơ và sắt”. Phốt pho có thể có trong đất, nhưng với số lượng quá nhỏ để được hấp thụ một cách hiệu quả. Nitơ có thể có, nhưng ở dạng cây trồng không thể sử dụng được. Trong đất kiềm, một số cây không thể hấp thụ sắt.

Vì vậy, thiếu dinh dưỡng trên cây trồng có thể do việc bón bổ sung dinh dưỡng không đủ hoặc bón đủ nhưng cây trồng không sử dụng được, hoặc bón mất cân đối.

CÁC YẾU TỐ DINH DƯỠNG CHÍNH ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÂY TRỒNG

Đa lượng: Đạm (N), Lân (P), Kali ( K).

Trung lượng: Canxi (Ca), Magie (Mg), Lưu Huỳnh (S).

Vi lượng: Đồng (Cu), Kẽm (Zn), Bo (B), Mangan (Mn), Molypden (Mo), Sắt (Fe), Clo (Cl).

NHỮNG TRIỆU CHỨNG KHI CÂY TRỒNG THIẾU DINH DƯỠNG

Những biểu hiện thiếu dinh dưỡng đa lượng trên cây trồng

Thiếu đạm:

  • Thường xuất hiện trên các lá già. Những lá này sẽ chuyển sang màu xanh lục hoặc vàng do thiếu diệp lục, kích thước lá bị nhỏ đi.
  • Cây sinh trưởng kém, đẻ nhánh và phân cành kém.

Thiếu lân: 

  • Xuất hiện trên lá già trước tiên. 
  • Lá có màu tím đỏ, bị nhỏ lại, bản lá bị hẹp và có xu hướng dựng đứng.
  • Cây sinh trưởng chậm, còi cọc, chồi non kém phát triển, quá trình chín cũng bị kéo dài.
  • Sự thiếu hụt nghiêm trọng cũng có thể làm cho các ngọn lá bị chết.

Thiếu kali:

  • Xuất hiện trên lá già trước tiên.
  • Lá úa vàng dọc theo mép lá, nhăn nheo.
  • Các chồi mới chết sớm. 
  • Cây phát triển chậm hơn, giảm ra hoa và đậu quả. 
  • Sự thiếu hụt kali thường xảy ra trên đất cát nhẹ. 

Ở cà chua, lượng kali thấp sẽ làm cho quả chín có màu vàng. 

Ở các loại rau ăn quả khác, sự thiếu hụt kali nghiêm trọng có thể dẫn đến quả bị dị dạng. 

Thiếu kali có thể làm giảm thời gian bảo quản của nhiều loại rau.

Biểu hiện thiếu dinh dưỡng trung lượng trên cây trồng

Thiếu canxi

  • Cánh hoa và nụ dễ bị rụng; trái bị nứt, thối.
  • Cây còi cọc, nhăn nheo, thiếu canxi nặng cành non sẽ bị chết.
  • Lá non úa vàng, biến dạng.
  • Chồi non ngừng sinh trưởng, có xu hướng khô héo.
  • Rễ sinh trưởng chậm, giảm khả năng hút nước và hấp thụ dinh dưỡng.

Ngăn ngừa sự thiếu hụt canxi bằng cách tưới nước thường xuyên và xử lý các cây bị thiếu Canxi bằng phân bón chứa Canxi. Vỏ trứng nghiền rải vào đất cũng là một giải pháp tuyệt vời cho cây bị thiếu Canxi.

Thiếu magie:  

  • Xuất hiện trên lá già trước tiên.
  • Thịt lá sẽ chuyển sang màu vàng, các gân lá vẫn còn màu xanh.
  • Mép lá bị xoăn lại nếu thiếu nhiều Mg.

Thiếu lưu huỳnh: 

  • Sinh trưởng bị trì trệ.
  • Toàn thân cây bị úa vàng, còi cọc.
  • Gân lá chuyển vàng trong khi thịt lá vẫn còn xanh, sau đó mới chuyển vàng. 

Sự thiếu hụt lưu huỳnh xảy ra trên: đất thô, nhiều cát, đất có độ pH thấp.

Ở nhiều loại cây trồng, thiếu lưu huỳnh khá giống thiếu đạm, tuy nhiên triệu chứng xảy ra ở các lá non trước.

Biểu hiện thiếu dinh dưỡng vi lượng trên cây trồng

Thiếu kẽm: 

  • Triệu chứng thiếu kẽm thường thấy trên lá non và lá bánh tẻ.
  • Thiếu kẽm dẫn đến lá hẹp và nhỏ, phiến lá mất màu xanh nhưng gân vẫn còn xanh. Lá non thường bị xoắn, bị biến dạng và chuyển sang trắng dần.

Thiếu đồng: 

  • Lá rủ xuống và có màu xanh, sau đó chuyển sang màu xanh tối, nếu thiếu đồng trầm trọng lá sẽ bạc, cong và cây không ra hoa được.
  • Cây trồng có hiện tượng chảy gôm (rất hay xảy ra ở cây ăn quả), kèm theo các vết hoại tử trên quả.

Thiếu mangan: 

  • Xuất hiện chủ yếu ở các lá non, gân lá và phần thịt gần gân lá có màu xanh đậm, thịt lá màu xanh nhạt hơn, sau chuyển màu vàng, đôi khi xuất hiện nhiều đốm nâu đen.

Thiếu Bo:

  •  Xuất hiện ở các bộ phận non của cây. Các lá non thường bị biến dạng, mỏng, màu xanh nhạt. Trên bề mặt lá thường có những đốm nhỏ màu vàng trắng. Kết cấu của lá dày đôi khi cong lên và trở nên giòn.
  • Xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên thân cây. 
  • Hoa kém phát triển, sức sống hạt phấn kém.
  • Quả có hình dáng bất thường, có nhiều đốm nâu, độ ngọt giảm và trái cứng, vỏ dày, sần sùi, ít nước, cuống trái bị rạn nứt.

Thiếu sắt: 

  • Khi bị thiếu quá nhiều vi lượng sắt toàn bộ cây biến thành màu vàng cho đến trắng lợt.
  • Lá cây thiếu sắt sẽ chuyển từ màu xanh sang vàng hay trắng ở phần thịt lá, trong khi gân lá vẫn còn xanh. Triệu chứng thiếu sắt xuất hiện trước hết ở các lá non, sau đến lá già.

Thiếu Molypden: 

  • Lá màu xanh nhạt, dần vàng đến cam, có đốm đen trên bề mặt lá, mặt dưới tiết ra nhựa. 
  • Cây sinh trưởng phát triển kém.
  • Hiện tượng thiếu Mo thường xảy ra với môi trường đất chua. Có thể sử dụng phân hữu cơ để cải thiện.

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH FINOM

Văn phòng giao dịch:

  • Lâm Đồng: 24 Bạch Đằng, Phường 7, Đà Lạt, Lâm Đồng. 

Hotline: Mr. Tài (0917 921 956)

  • TP. Hồ Chí Minh: Lô Officetel L6-20, Tầng 20, Block Lucky, Tòa nhà Richmond City, 207C Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP. HCM

Hotline: Ms. Hàng (0949 237 733)

Website: www.finom.vn                            

Email: info@finom.vn

ĐT: 0263 730 58 68

Các bài viết liên quan:


Bài Viết Mới

Tag có liên quan