Thiết kế hệ thống tưới cho cây có múi

Viết bởi Nhà Nông Thế Giới vào

Nước là thành phần không thể thiếu đối với bất kỳ cây trồng nào, đóng vai trò quan trọng đối với các quá trình phản ứng sinh hóa của cây trồng. Nước giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng trong cơ thể của cây. Nước giúp cân bằng thân nhiệt cây thông qua quá trình thoát hơi nước.

Cây có múi và stress nước

Dấu hiệu đầu tiên có thể thấy đối với cây có múi khi thiếu nước đó là kích thước quá nhỏ. Điều này không dễ nhận ra nếu không có sự quan sát kỹ. Một dấu hiệu có thể dễ dàng nhận ra là lá chuyển màu xanh xám và xoăn từ viền lá vào bên trong. Dấu hiệu tiếp theo là lá bị khô, xoăn tít bắt đầu từ chop, tiếp tục cho đến khi toàn bộ lá bị chết.

Điều ngạc nhiên là cây cái múi thường ra hoa sau khoảng 1 tháng từ khi bị thiếu nước (stress nước) do cơ chế sinh lý tự nhiên của cây trồng. Nên nhiều nông dân ứng dụng điều này để kích thích cây ra hoa trái mùa bằng cách chủ động cắt nước tưới, gây stress cho cây.

Cây có múi cần bao nhiêu nước là đủ?

Câu trả lời tùy thuộc vào độ tuổi, kích thước trái, cây trồng cụ thể (cam, bưởi hay chanh,..), đặc tính giống và theo mùa. Theo nghiên cứu của đại học Arizona (Mỹ), cây có múi có thể cần khoảng 64 lít – 135 lít nước trong một ngày tùy theo mùa và giai đoạn sinh trưởng.

Lượng nước cây quýt cần thường thấp hơn cam 10%. Lượng nước cây cần đối với bề mặt đất có cỏ thường cao hơn 20% so với mặt đất không có cỏ. Cây có múi yêu cầu lượng nước tưới cao nên cần có kỹ thuật thiết kế hệ thống tưới và chương trình tưới hiệu quả để đảm bảo đầy đủ cho các hoạt động sinh lý của cây. Một số yếu tố ảnh hưởng đến chương trình tưới như: tính chất đất, nhu cầu thoát hơi nước của cây và độ phân phối của bộ rễ.

Một điều lưu ý là lượng tưới nước quá nhiều cũng không tốt cho cây có múi và dễ gây ra các bệnh gây ra do đất như thối nâu, thối rễ thường gây ra do nấm Phytophora.

Thiết kế hệ thống tưới cho cây có múi như thế nào?

Một điều chắc chắn là thiết kế một hệ thống tưới không chính xác sẽ làm giảm hiệu quả của hệ thống tưới. Vấn đề thường gặp nhất là tính toán lượng nước tưới và áp suất mất đi không chính xác, dẫn đến lượng nước phân phối tại các điểm tưới không đồng đều. Trường hợp này thường gặp nhất ở những địa hình đồi dốc.

Ngoài ra, một vấn đề khác cần lưu ý là cần chú ý đến tính chất đất (cát, sét, bùn,..) và nguồn nước tưới. Đất cát có tính giữ nước kém nên yêu cầu thiết kế có mật độ tưới dày hơn so với đất pha sét,…Về nguồn nước tưới, có một số yếu tố cần lưu ý như: độ pH, tính kiềm, độ dẫn điện, độ cứng, hàm lượng muối

Một số hệ thống tưới thông dụng như sau:

Tưới béc xoay (Sprinklers)

Hệ thống tưới béc xoay thường có lưu lượng nước tưới lớn, đảm bảo phủ nước trên toàn bộ bề mặt đất, duy trì độ ẩm của đất. Một thách thức của hệ thống tưới này là rất khó để có một thiết kế đảm bảo phân bố lượng nước đồng đều cho tất cả gốc cây và yêu cầu thiết kế cần đảm bảo độ chính xác về khoảng cách béc và hệ thống đường ống dẫn nước. Ngoài ra, vấn đề khó khăn trong việc kiểm soát cỏ dại cũng là một hạn chế của hệ thống tưới này.

Hệ thống tưới vi mô hay tập trung (Micro-irrigation)

Hệ thống tưới vi mô được thiết kế để đảm bảo duy trì độ ẩm trong phạm vi khu vực bộ rễ tập trung của cây. Hệ thống tưới này có nhiều ưu điểm nổi bật như (i) tiết kiệm nước tưới, (ii) có thể kết hợp bón phân qua hệ thống tưới, (iii) giảm chi phí nhân công, (iv) hạn chế sự phát triển của cỏ dại, (v) lượng nước phân phối đồng đều cho tất cả cây trồng, (vi) hạn chế phát triển nấm bệnh cho cây trồng.

Có hai hệ thống tưới vi mô thông dụng là tưới cục bộ (micro-sprinkler) và tưới nhỏ giọt (drip irrigation)

Tưới cục bộ

Đối với hệ thống tưới cục bộ, chúng ta thường sử dụng các loại béc tưới cục bộ có lưu lượng nước thấp (20 – 40 lít/giờ) và bán kính tưới dưới 1.5 mét để đảm bảo lượng nước cung cấp vừa đủ và kết hợp bón phân, có thể thiết kế 1 – 2 béc tưới/gốc cây.

Tưới cục bộ cho cây có múi

Tưới nhỏ giọt

Có nhiều cách để thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây có múi, chúng ta có thể thiết kế một đường dây nhỏ giọt đi thẳng trong giai đoạn cây con dưới 1 năm tuổi và hai đường dây song song trong giai đoạn cây trưởng thành. Hoặc một kiểu thiết kế khác là sử dụng dây LDPE, sau đó đục lỗ và gắn đầu bù áp với số lượng 1 – 3 đầu bù áp mỗi gốc cây. Lưu lượng thích hợp thông thường cho mỗi đầu bù áp từ 2 – 8 lít nước, khoảng cách lỗ dây nhỏ giọt từ 30 – 50cm.

Tưới nhỏ giọt trên cây có múi

Ngoài những ưu điểm nổi bật thường thấy của một hệ thống tưới vi mô, tưới nhỏ giọt giúp giảm thiểu lượng nước sử dụng so với các phương pháp tưới khác. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy có thể giảm tới 50% lượng nước tưới khi sử dụng kỹ thuật tưới này. Tuy nhiên, hệ thống tưới nhỏ giọt cũng có những vấn đề nhất định. Thứ nhất, các đầu nhỏ giọt (emiiters) thường được thiết kế rất nhỏ để đảm bảo kiểm soát lưu lượng nước nhỏ và đây cũng là một nhược điểm vì rất dễ bị tắc nghẽn trong quá trình sử dụng. Đặc biệt, điều này thường xảy ra đối với những vùng không đảm bảo được chất lượng nước như nước phèn, nước sông hay thiết kế hệ thống lọc không đảm bảo, chất lượng dây nhỏ giọt kém.

Nếu có thắc mắc trong quá trình thực hiện các chỉ dẫn kỹ thuật, quý khách hàng vui lòng liên hệ bộ phận kỹ thuật của Công ty TNHH Finom để nhận sự hỗ trợ. 

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH FINOM

Văn phòng giao dịch:

Lâm Đồng: 24 Bạch Đằng, Phường 7, Đà Lạt, Lâm Đồng. 
Hotline: Mr. Tài, ĐT: 0917 921 956

Tòa nhà Richmond City, 207C Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP. HCM
Hotline: Ms. Hàng, ĐT: 0949 237 733

Website: www.finom.vn                            

Email: info@finom.vn

ĐT: 0263 730 58 68

Các bài viết liên quan:


Bài viết cũ hơn Bài Viết Mới

Tag có liên quan